Đây là cảnh báo được ông Đặng Hoa Nam (ảnh), Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) đưa ra ngày 5.9, khi thông tin với báo chí về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em và vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (TP.HCM).
Theo ông Đặng Hoa Nam, sau khi Báo Thanh Niên đăng tải bài điều tra Tội ác trong một mái ấm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã có công điện đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM thực hiện khẩn cấp 3 nhiệm vụ: yêu cầu xác minh và xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan; triển khai các biện pháp chăm sóc và đảm bảo an toàn cho các nạn nhân là trẻ em; đề ra các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở chăm sóc trẻ em.
Cục trưởng Cục Trẻ em bày tỏ: “Chúng tôi rất cảm ơn các PV Báo Thanh Niên đã có công sức nắm tình hình, điều tra vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, phản ánh cho công luận, cơ quan chức năng để kịp thời có can thiệp. Đây là vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội, bởi hành vi bạo lực diễn ra với cả trẻ sơ sinh, đây là những hành vi không bao giờ được phép xảy ra ở cơ sở có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em”.
“Luật Trẻ em có quy định chăm sóc tại các cơ sở tập trung là biện pháp cuối cùng, trẻ phải được ưu tiên chăm sóc trong môi trường gia đình, hoặc cạnh người thân, nhưng nhiều cơ sở đang không tuân thủ quy định này. Thực tế, có tình trạng các cơ sở trợ giúp xã hội giữ trẻ lại, thậm chí vượt quá số lượng cho phép, không muốn chuyển trẻ đi cơ sở khác để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng xã hội”, ông Nam nói.
Bổ sung các quy định để lấp lỗ hổng
Để có những giải pháp khắc phục, giảm thiểu tối đa tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra tương tự trong các cơ sở trợ giúp xã hội, ông Đặng Hoa Nam cho hay, việc duy trì thanh tra, kiểm tra rất quan trọng. Cần phải ưu tiên việc thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ trẻ em nói chung và thanh tra, kiểm tra về các cơ sở, dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
“Đối với các cơ sở chăm sóc trẻ không thu phí, tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ xã hội, từ các cá nhân hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài, trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng phải kiểm tra và xử lý dứt điểm những việc không lập sổ sách, không công khai tài chính về các nguồn lực vật chất được sử dụng cho trẻ, để tránh việc trục lợi, lợi dụng việc chăm sóc trẻ nhằm thu hút các nguồn hỗ trợ từ xã hội”, ông Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh trách nhiệm tăng cường giám sát kiểm tra của các cơ quan chức năng và của người đứng đầu, việc sử dụng công nghệ số, sử dụng công nghệ thông tin để có cơ sở dữ liệu phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực đối với trẻ trong các cơ sở chăm sóc tập trung cũng là việc làm cần thiết.
Lãnh đạo Cục Trẻ em bày tỏ: “Chúng tôi lấy làm tiếc, hệ thống giám sát camera lại không được thực hiện tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng. Quy định hiện nay việc lắp đặt camera tại các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là không bắt buộc. Để có thể ngăn chặn kịp thời các vụ việc tương tự, Cục Trẻ em khuyến nghị các cơ sở này nên lắp đặt camera giám sát. Tới đây, khi sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hoạt động của các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất đưa việc lắp đặt camera giám sát thành quy định bắt buộc”.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, vụ việc này cũng cho thấy lỗ hổng lớn nhất là về nhân lực bảo vệ trẻ em cấp xã. “Chúng ta cần phải có đội ngũ nhân viên về công tác xã hội để thực hiện nghiệp vụ chuyên môn về công tác xã hội, giám sát thường xuyên từng đầu trẻ, từng đối tượng được chăm sóc ở trong cộng đồng và trong gia đình, trong các cơ sở thì chúng ta mới phòng ngừa, kéo giảm bạo lực trẻ em”, ông Nam nêu ý kiến.
Cục Trẻ em đề nghị TP.HCM thời gian tới phải thiết lập được cơ chế, mạng lưới điều phối chuyển tuyến tại các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung. Cầu nối điều phối có thể là Sở LĐ-TB-XH hoặc trung tâm công tác xã hội trực thuộc TP.
Theo Thanh Niên