Mục lục
Khi chủ đất đòi đưa tiền mới cho mượn sổ đỏ tách thửa thì phải làm sao?
Câu hỏi:
Chào Luật sư, tôi có thắc mắc cần được giải đáp: Tôi có mua một mảnh đất từ ông B bằng giấy viết tay. Phần đất của tôi mua nằm trong một mảnh đất lớn, được người chủ chia làm nhiều thửa để bán từ năm 2018. Nay tôi muốn tách thửa mảnh đất này nên đã mượn sổ đỏ gốc từ ông B để làm thủ tục tách thửa, mảnh đất của tôi được biết đã đủ điều kiện tách thửa. Nhưng ông B không đồng ý và đòi một khoản tiền thì mới cho tôi mượn. Tôi muốn hỏi trong trường hợp này, xử lý như thế nào khi chủ đất đòi đưa tiền mới cho mượn sổ đỏ tách thửa? Rất mong được Luật sư giải đáp, tôi xin cảm ơn.
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc của mình đến LHLegal. Chúng tôi xin được giải đáp câu hỏi của bạn theo nội dung dưới đây:
Đầu tiên, để thực hiện thủ tục tách thửa thì bạn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT như sau:
– Đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu.
– Có Giấy chứng nhận.
– Đất không có tranh chấp.
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, căn cứ theo quy định pháp luật như trên. Khi bạn đã có đủ các điều kiện trên, thì được quyền tách thửa mảnh đất. Qua thông tin mà bạn cung cấp, thửa đất bạn mua đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng nên đủ điều kiện để chuyển nhượng hợp pháp. Nhưng trong trường này, chủ đất lại làm khó dễ và đòi tiền thì mới cho mượn sổ đỏ gốc để tách thửa. Việc làm của chủ đất là hoàn toàn sai trái với quy định pháp luật.
Cách xử lý khi chủ đất đòi tiền mới cho mượn sổ đỏ gốc để tách thửa như thế nào?
Để giải quyết được vấn đề này, bạn có thể nộp đơn khởi kiện để Tòa án yêu cầu chủ đất phải thực hiện sang tên cho bạn. Căn cứ từ thông tin mà bạn cung cấp, bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện thủ tục tách thửa đất đã mua bằng giấy viết tay.
Theo khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho và góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hay chứng thực.
Việc mua bán đất của bạn và người bán đất cho bạn đều được thực hiện bằng giấy viết tay, không công chứng, chứng thực nên giao dịch của bạn được giải quyết dựa trên Khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự như sau:
“2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”
Theo quy định như trên, giao dịch mua bán đất bằng giấy viết tay của bạn và ông B đủ điều kiện được Tòa công nhận có hiệu lực nếu một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch này.
Trong trường hợp này, các bên sẽ không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực nữa.
Vì vậy, theo thông tin mà bạn đưa ra. Bạn hoàn toàn có căn cứ khởi kiện tại Tòa án yêu cầu hoàn thiện nốt giao dịch chuyển nhượng đất, cung cấp sổ đỏ gốc để làm thủ tục tách thửa cho mảnh đất khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
– Bạn đã thanh toán tiền mua đất cho người bán
– Người bán đất cho bạn đã thanh toán tiền mua cho chủ đất đang đứng tên trên sổ đỏ
– Bạn đang sử dụng đất, đã có biên bản bàn giao đất.
03 lưu ý quan trọng khi mua đất bằng giấy viết tay để đỡ thua thiệt
Thứ nhất: Bạn yêu cầu người bán cho kiểm tra giấy tờ và thông tin, qua đó sẽ xác nhận được đất định mua có đủ điều kiện cấp sổ đỏ hay không? Đồng thời, điều này cũng có thể biết được mảnh đất đó có phải đất thổ cư hợp pháp hay không? Hay có thuộc diện đất lấn chiếm không? Và có nằm trong quy hoạch hay không?
Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra giấy tờ tùy thân của bên bán. Nếu bên bán đã có vợ, có chồng thì hợp đồng mua bán phải có sự tham gia của cả hai.
Thứ hai: Nội dung trong hợp đồng mua bán nên cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên, bao gồm những nội dung như sau:
– Đối tượng giao dịch
– Phương thức thanh toán, cam kết, phạt khi vi phạm hợp đồng
– Thời hạn thực hiện, người làm chứng.
– Hợp đồng không nên sửa chữa nếu có thì các bên cần xác nhận việc sửa chữa và ký vào từng trang của hợp đồng, trang cuối ký và tự ghi họ tên đầy đủ.
Thứ ba: Bạn cần lập biên bản giao nhận tiền, biên bản giao nhận giấy tờ. Nội dung thể hiện cụ thể xem bên bán đã nhận đủ tiền và tự nguyện giao giấy tờ hay chưa? Hợp đồng mua bán nên mời hai người làm chứng và có thể yêu cầu bên bán điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào hợp đồng.
Bên cạnh đó, bạn cần lập vi bằng khi mua bán, chuyển nhượng để đảm bảo quyền lợi hơn, tránh những tranh chấp không đáng có sau này.
Bên mua bên giữ toàn bộ giấy tờ liên quan đến nhà hoặc đất (giữ bản gốc nếu có). Sau đó, yêu cầu bên bán đưa bản sao giấy tờ nhân thân để làm tin và dễ liên lạc khi cần thiết.