Tin pháp luật

Vụ rau Vietgap dỏm tràn vào siêu thị, xử lý ra sao?

Mục lục

“Rau dỏm” biến hình thành rau chuẩn VietGap tràn vào siêu thị

Rau sạch, rau đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ có giá thành đắt hơn nhiều so với rau thông thường. Tuy nhiên, những ngày qua báo chí phản ánh ở một vài siêu thị, gian hàng điện tử đã trà trộn hàng “chợ”, dán mác VietGAP để biến thành “rau sạch” thì đây là biểu hiện của hành vi lừa dối người tiêu dùng.

Người tiêu dùng hiện đang rất bức xúc và mong cơ quan Quản lý thị trường cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ hành vi gian dối của những cửa hàng này thực hiện như thế nào, diễn ra trong thời gian bao lâu và bao nhiêu người tiêu dùng đã mua phải rau sạch rởm. Thậm chí cơ quan chức năng điều tra có hay không hành vi làm giả chứng nhận VietGAP?

Trên cơ sở đó cơ quan chức năng có thể xử lý các đơn vị này bằng chế tài hành chính hoặc là hình sự, tùy theo mức độ vi phạm. Cơ quan chức năng cần làm rõ có hành vi lừa dối khách hàng ở đây hay không?

Tiêu chuẩn VietGap là gì?

Tiêu chuẩn VietGAP được xây dựng và ban hành bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Áp dụng cho các sản phẩm thuộc nhóm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

4 yêu cầu trong VietGAP đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nói chung và đối với rau sạch nói riêng bao gồm:

Các tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất

An toàn thực phẩm

Môi trường làm việc

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Khi sản phẩm rau sạch VietGAP đạt được chứng nhận thì sẽ được dán tem VietGAP lên sản phẩm/ bao bì của sản phẩm. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng an tâm hơn về nguồn thực phẩm tiêu thụ trong các bữa ăn.

Vụ rau VietGap dỏm tràn vào siêu thị, xử lý ra sao?

Vụ Công ty Đông A, Công ty TNHH nông sản Trình Nhi “phù phép” rau chợ đầu mối, nông sản nhập từ Trung Quốc thành “rau sạch Đà Lạt”, chuẩn VietGAP là kiểu làm ăn “treo đầu dê bán thịt chó”, đây được xem như hành vi giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì, xuất xứ và chất lượng hàng hóa là dạng làm giả hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương hiệu khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa hoặc giả mạo về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn và bao bì sản phẩm.

Hành vi này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại cho những người mua mà còn làm mất lòng tin của người dân về chất lượng sản phẩm bán ở một số siêu thị hay cửa hàng tiện lợi… gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Vụ việc đang chờ kết luận của cơ quan chức năng, nhưng với các hành vi vi phạm nêu trên thì có các công ty biến hoá rau có thể bị xử lý như sau:

Với hành vi lừa dối cung cấp sản phẩm không đạt chất lượng như cam kết

Sự lừa dối bán sản phẩm không đạt chất lượng như cam kết gây ra thiệt hại cho khách hàng nếu ở mức độ nhẹ, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì Công ty Đông A, Công ty Trình Nhi và các bên liên quan có thể bị phạt hành chính với số tiền là từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 98/2020/NĐ-CP

Trường hợp cơ quan chức năng điều tra kết luận phát hiện có sai phạm và gây hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì hành vi đối với những bên liên quan đến công ty sai phạm, các cá nhân, tổ chức khác có liên quan thông đồng, cấu kết với công ty rau về việc cắt bao bì, gắn mác một bao bì khác, thể hiện sự chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn tinh vi qua mặt các nhân viên, thu lời bất chính thì hành vi này có thể bị xử hình sự “tội lừa dối khách hàng”.

Theo đó, Điều 198 Bộ luật hình sự hiện hành quy định Tội lừa dối khách hàng như sau:

– Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính giản hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Có tổ chức;

Có tính chất chuyên nghiệp;

Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Với hành vi thay đổi nhãn, mác của sản phẩm, hàng hóa chưa được kiểm định chất lượng

Với hành vi thay đổi nhãn, mác của sản phẩm, hàng hóa chưa được kiểm định chất lượng thành sản phẩm, hàng hóa được đóng nhãn, mác đã kiểm định chất lượng VietGAP để bán giá cao, thu lợi bất chính của nhà sản xuất, phân phối và buôn bán hàng giả mạo thì hành vi này còn có thể cấu thành tội hình sự “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

Điều 193 Bộ luật hình sự hiện hành quy định:

– Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

Có tổ chức;

Có tính chất chuyên nghiệp;

Tái phạm nguy hiểm;

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

Buôn bán qua biên giới;

Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

– Mức hình phạt lên đến phạt tù chung thân nếu  thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên; Làm chết 02 người trở lên;

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm là tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự của nền sản xuất hàng hóa, làm mất sự ổn định của thị trường, xâm hại lợi ích và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Cá nhân, tổ chức phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Động cơ, mục đích của tội phạm chủ yếu là vụ lợi. Hành vi gian lận này có thể với mức phạt cao nhất là chung thân.

– Đối với pháp nhân thương mại: có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng tuỳ hành vi vi phạm hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm, nặng thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Hiện vụ việc trên vẫn đang được dư luận quan tâm và cơ quan chức năng đã vào cuộc tiến hành điều tra làm rõ.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.