Mục lục
Kết hôn đồng giới là gì?
Pháp luật Việt Nam thì không có bất kỳ nội dung nào quy định khái niệm hôn nhân đồng giới là gì nhưng có thể hiểu: Kết hôn đồng giới là cuộc hôn nhân giữa những người có cùng giới tính về sinh học. Có thể là đồng tính nam hoặc đồng tính nữ, là người song tính hoặc người chuyển giới.
Thực tiễn hôn nhân đồng tính ở nước ta
Nước ta hiện chưa có một cuộc nghiên cứu chính thức nào về giới tính nói chung và thống kê số liệu về những người đồng tính nam, đồng tính nữ nói riêng. Có một thống kê chưa chính thức từ tổ chức phi chính phủ CARE là: thì ước tính đến năm 2012 Việt Nam ta có khoảng từ 50.000 – 125.000 người đồng tính.
Bảng thống kê này xuất phát từ 10 năm trước. Tính đến hiện tại là năm 2022 thì chắc chắn con số này đã tăng lên đáng kể. Hiện nay xã hội đã phát triển, tư duy cộng đồng cũng cởi mở hơn nên việc công khai mình là người đồng tính hay còn gọi là gay, lesbian không phải là điều gì quá khó khăn. Ngay cả các chương trình truyền hình cũng tạo điều kiện cho những người này xuất hiện trên sống truyền hình để thể hiện quan điểm tình yêu, lối sống của mình. Mặc khác những người nổi tiếng, những người có sức ảnh hưởng trong xã hội cũng rất ủng hộ cộng đồng LGBT. Với lẽ sống chỉ cần thực sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau.
Việt Nam có cấm hôn nhân đồng giới không?
So sánh quy định pháp luật Hôn nhân và gia đình trước và sau
Câu trả lời là đã từng. Vì sao vậy? Chúng ta cùng lật lại quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: Việc kết hôn giữa những người cùng giới là hành vi bị nghiêm cấm. Đồng thời điểm e khoản 1 Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP quy định thêm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 500.000 đồng. (Hiện cả 2 quy định này đã hết hiệu lực)
Sau này, khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực thì điều cấm kết hôn đồng giới đã bị bỏ mà thay bằng quy định : “ Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Như vậy từ quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đến Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là một bước phát triển dài về quy định việc kết hôn đồng giới. Vậy là luật hiện hành không còn cấm kết hôn giữa những người đồng giới nhưng cũng không quy định gì thêm có nghĩa là pháp luật cơ bản vẫn không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Cái khó của các cặp đôi kết hôn đồng giới
Có thể hiểu rằng các cặp đôi đồng tính vẫn có thể làm đám cưới (theo thủ tục truyền thống) nhưng sẽ không được làm thủ tục đăng ký kết hôn. Khi đó, hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sẽ không tồn tại và không được pháp luật thừa nhận nên không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; cấp dưỡng; thừa kế; tài sản chung vợ chồng…
Có thể nói dù chưa dù hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới nhưng nhà nước đã có phần nới lỏng quy định theo sự phát triển của xã hội. Dù không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng nhưng ngày nhiều cặp đôi đồng tính vẫn kết hôn, tổ chức lễ cưới và về chung một nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như bao cặp vợ chồng khác.
Có nên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Việt Nam?
Có thể thấy, Chính phủ nước ta đang giữ một thái độ trung lập đối với vấn đề hôn nhân đồng giới, việc không thừa nhận nhưng cũng không cấm thể hiện sự phát triển của pháp luật gắn liền với sự thay đổi và thích ứng với xã hội.
Việc có có nên hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới không vẫn là vấn đề gây ra khá nhiều tranh cãi. Dưới góc độ pháp lý thì để có thể hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới cần phải bổ sung và hoàn thiện hơn nữa về các quy định của pháp luật có liên quan đến các vấn đề về quan hệ vợ chồng, xác định cha, mẹ, con, quan hệ tài sản và các vấn đề khác được quy định trong các chế định về hôn nhân và gia đình. Có như vậy mới có thể bảo đảm quyền lợi tối đa cho mọi người đặt biệt là những người kết hôn đồng giới.
Quy định về kết hôn đồng giới của các nước khác trên thế giới
Hiện nay có nhiều quốc gia chấp nhận hôn nhân đồng giới. Đã có 28 quốc gia/vùng lãnh thổ trong số 220 quốc gia tính đến năm 2019 chính thức công nhận hôn nhân đồng giới, bao gồm: Áo Argentina, Bỉ, Bồ Đào Nha, Brasil, Canada, Colombia, Đan Mạch, Đài Loan, Đức, Ecuador, Hà Lan, Hoa Kỳ, Iceland, Ireland, Luxembourg, Malta, México (chỉ một số bang), Na Uy, Nam Phi, New Zealand (trừ Niue, Tokelau và Quần đảo Cook), Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Úc, Uruguay, Vương quốc Anh (trừ Bắc Ireland).
Trong đó, Hà Lan là nước đầu tiên cho phép kết hôn đồng tính và trao nhiều quyền hơn cho các cặp đôi có quan hệ đồng tính vào tháng 4/2001.
Tuy nhiên hiện tại vẫn có hơn 80 quốc gia/vùng lãnh thổ không chấp nhận hôn nhân cùng giới coi hành vi đồng tính luyến ái là tội phạm, một số còn áp dụng hình phạt tử hình đối với những người có hành vi đồng tính luyến ái.
Số quốc gia/vùng lãnh thổ còn lai có chính sách trung dung, không coi đồng tính luyến ái là bất hợp pháp nhưng cũng không hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính. Trong đó có Việt Nam.
Người chuyển giới có được đăng ký kết hôn không?
Theo Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thì:
Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và Luật khác có liên quan.
Căn cứ quy định này, sau khi chuyển đổi giới tính, cá nhân phải đăng ký thay đổi hộ tịch. Sau đó, người này sẽ có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Một trong số các quyền nhân thân là quyền đăng ký kết hôn.
Như vậy, sau khi chuyển giới, đăng ký thay đổi hộ tịch thì người chuyển giới được quyền đăng ký kết hôn với người khác giới tính đã chuyển và quan hệ hôn nhân này sẽ được pháp luật công nhận.
Trên đây là toàn bộ nội dung mà Xinchaoluatsu.vn soạn thảo để trả lời cho câu hỏi: Việt Nam có cấm kết hôn đồng giới không. Hi vọng bài viết này hữu ích đến quý vị.