Bài viết pháp luật

Tốt nghiệp loại giỏi vẫn không xin được việc: Bằng đỏ mất… thiêng?

Sau tốt nghiệp đại học, nhiều sinh viên đã “vỡ mộng” khi bước vào thị trường lao động. Không ít cử nhân chấp nhận làm công việc không liên quan gì tới ngành nghề được đào tạo, hay lao động phổ thông và thậm chí là thất nghiệp vì không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.

Bằng giỏi vẫn… ngậm đắng nuốt cay

Nhiều sinh viên cầm tấm bằng cử nhân chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng không xin được việc hoặc phải làm công việc trái ngành nghề đã học với thu nhập thấp hay chọn lao động chân tay với suy nghĩ “tìm công việc để nuôi bản thân trước đã, rồi chuyện chuyên môn tính sau…”.

Theo học ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học ở Q.Gò Vấp, TP.HCM, sau khi ra trường với tấm bằng loại giỏi, Đỗ Huệ Mẫn (24 tuổi), cố gắng tìm công việc liên quan tới chuyên ngành. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, Mẫn cảm thấy bất lực vì không tìm được việc. Dù được người quen giới thiệu một số công ty nhưng khi đến nơi Mẫn đều bị từ chối bởi chưa phù hợp với yêu cầu công việc, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, khả năng ngoại ngữ yếu.

Mẫn cho biết lớp đại học của cô có 70 bạn và đã ra trường hết nhưng số người có công việc tạm ổn chưa đến 10%. Một số bạn đăng ký đi học thạc sĩ còn đa số phải làm đủ việc trái sở trường hoặc vẫn đang tìm việc.

Nguyễn Đăng Khoa (23 tuổi), tốt nghiệp ngành kế toán một trường đại học tại TP.HCM, cũng đang chật vật xin việc làm với tấm bằng loại giỏi. Từ khi còn là sinh viên, Khoa xác định cố gắng phấn đấu học tập, tốt nghiệp bằng giỏi để lúc ra trường đi xin việc sẽ được ưu ái và là điều kiện quan trọng cho các nhà tuyển dụng cân nhắc. Tuy nhiên, sau khi xin việc Khoa cho rằng tấm bằng đại học loại giỏi không hề quan trọng và không có giá trị nhiều.

“Mình nộp hồ sơ xin việc cho rất nhiều công ty nhưng tỷ lệ được gọi phỏng vấn vô cùng ít. Trong các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng nói mình có kiến thức chuyên môn tốt nhưng thiếu kinh nghiệm, kỹ năng mềm kém, khả năng ngoại ngữ lại không có… Hiện tại, mình xin làm nhân viên bán hàng cho một công ty về thực phẩm. Dù biết lựa chọn này rất khó khăn, khiến gia đình buồn lòng nhưng mình không còn đường nào khác”, Khoa chia sẻ.

Khoa cho biết mất 4 năm đại học để lấy bằng loại giỏi, bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho chi phí ăn học nhưng khi xin việc lại không được như mong muốn và rất chật vật. Chàng trai nghĩ rằng nếu trong thời gian đi học bản thân chú trọng tìm hiểu, xin thực tập ở các công ty thì có lẽ bây giờ mọi thứ đã khác.

Tốt nghiệp loại xuất sắc ngành bảo vệ thực vật của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nhưng T.T.N.H (23 tuổi) vẫn chưa xin được việc làm. Nhiều lần nộp hồ sơ vào các công ty về sản xuất thuốc bảo vệ thực vật nhưng đều bị từ chối, hiện tại H. đang làm nhân viên bán hàng để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

H. kể bạn bè học chung ngành sau khi tốt nghiệp đều lựa chọn về quê mở cửa hàng hoặc quản lý cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật của gia đình. Còn H. thì không được như vậy nên đành bám trụ ở thành phố để chờ cơ hội khác tốt hơn. H. cho biết đang học lên thạc sĩ với mong muốn có thể thay đổi được tình cảnh lao đao đi tìm việc. Nhưng kinh phí để học thạc sĩ H. cũng phải xin gia đình hỗ trợ vì chưa thể tự lo liệu.

Chìa khóa của thành công nằm ở đâu ?

Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết hạn chế lớn của sinh viên khi ra trường là đa số chưa định hướng được cụ thể để chọn ngành chuyên môn phù hợp với khả năng, đồng thời do hệ thống thông tin thị trường lao động; hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm chưa cập nhật kịp thời để gắn kết sinh viên với doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.

Theo ông Trần Anh Tuấn, tổng hợp từ nhiều thông tin khảo sát cho thấy trong tổng số sinh viên tìm được việc làm chỉ có 50% có công việc phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% vẫn phải làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp; việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển việc.

“Không ít trường hợp bạn trẻ có tấm bằng đại học vẫn thất nghiệp vì không có tay nghề. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong thị trường lao động, người tốt nghiệp đại học nhiều nhưng nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp luôn thiếu. Vì vậy, bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, chìa khóa nằm ở việc sinh viên sau khi ra trường phải thạo nghề và có kinh nghiệm”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, thành viên Hiệp hội Giáo viên tiếng Anh tại Canada (TESL Canada), cho biết sinh viên lấy bằng đại học nhưng không dùng đến là một dạng lãng phí. Tuy đó là lựa chọn của cá nhân nhưng cũng là thiệt hại cho toàn xã hội. Nếu một số lượng đông đảo sinh viên ra trường không có việc làm sau một năm trong khi thị trường vẫn có nhu cầu nhân lực, có thể thấy rõ đó là điều bất thường, năng lực đào tạo của nhà trường và nhu cầu tuyển dụng của tổ chức, doanh nghiệp đã lệch pha.

Theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, hiện nay có 2 nhóm đại học: một là nhóm đại học nghiên cứu, thường phù hợp với những sinh viên có thiên hướng nghiên cứu để ra trường làm các công việc như giảng dạy, nghiên cứu, chế tạo, phân tích, hoạch định chính sách… Hai là, các đại học đào tạo ứng dụng, gắn liền với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp, tổ chức thông thường. Nếu người học chọn nhầm, thì vẫn có khả năng thất nghiệp dù học trường có chất lượng. Do vậy, để tránh thất nghiệp, ông Bùi Khánh Nguyên khuyên sinh viên nên lựa chọn các trường phù hợp với mục tiêu của mình, chọn các trường đào tạo có uy tín, có danh tiếng về chuyên ngành cụ thể.

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Bằng Việt, Giám đốc điều hành Đông A Solutions, cho rằng: “Không ít trong số hơn nửa triệu sinh viên mới mỗi năm là ghi danh học để khỏi xấu hổ với họ hàng hay xóm làng, là để có tấm bằng đại học thay vì có nghề nghiệp phù hợp. Những bạn học “cho có” như vậy lại hy vọng ra trường có lương cao? Làm một bài tập kiến thức cơ bản ở trong nhà trường chỉ đủ “vừa qua môn” nhưng lại mong được nhận lương cao khi đối diện những bài toán thực tế khó hơn nhiều thì liệu có khả thi?”.

“Sinh viên hãy tận dụng thời gian ở đại học thật tốt để chuẩn bị cho tương lai. Trăm bạn trong mỗi lớp, tại sao chỉ có 5 – 10 bạn thành công được sau này nhờ nghề ấy? Đó là do chọn đúng và nỗ lực đủ”, ông Trần Bằng Việt chia sẻ. (còn tiếp)

Theo Thanh Niên

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.