Bài viết pháp luật Hình sự

Quyền im lặng và nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự

Mục lục

Quyền im lặng của bị can, bị cáo theo quy định pháp luật Việt Nam

Quyền im lặng của bị can, bị cáo tuy chưa được ghi nhận trực tiếp và trở thành một điều luật độc lập nhưng xét về mặt nội dung quyền im lặng được gián tiếp ghi nhận trong Hiến pháp 2013, các văn bản như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và các văn bản dưới luật khác.

Tại khoản 1 Điều 31 của Hiến pháp có quy định:

“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”

Hay điểm e khoản 1 điều 58, điểm c khoản 2 điều 59, điểm d khoản 2 điều 60, điểm h khoản 2 điều 61 đều quy định “Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã; người bị tạm giam, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận có tội”.

Các bạn có nhớ vụ án hình sự liên quan đến hoa hậu Trương Hồ Phương Nga và đại gia Cao Toàn Mỹ không? Sau vụ án tốn nhiều giấy mực đó thì dư luận, cộng đồng mới biết tới cái gọi là “quyền im lặng”, quyền này đã được Trương Hồ Phương Nga tận dụng triệt để bằng nhiều câu nói như: “Bị cáo bị điều tra viên mớm cung. Bị cáo không tin vào Viện kiểm sát. Bị cáo sợ nếu khai ra tất cả chứng cứ sẽ bị hủy”.

Ngay cả Thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM) cũng nhận định: “Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, khi quyền im lặng có hiệu lực thi hành đã được bị cáo Trương Hồ Phương Nga áp dụng triệt để và đây có thể xem là trường hợp đầu tiên bị cáo sử dụng quyền này trong lịch sử tố tụng hình sự của VN, để thấy rằng “im lặng” không còn là ngoan cố mà là cách bị can, bị cáo bảo vệ mình trước nguy cơ mớm cung, ép cung”.

Việc bị can dùng quyền im lặng và cơ quan điều tra sau khi không chứng minh được tội phạm. Tòa buộc phải tuyên đình chỉ vụ án này. Sự thành công của việc sử dụng quyền im lặng trong vụ án này được coi là một bài học rất đáng quý trong việc thay đổi quan điểm tố tụng ở Việt Nam. Đây là một vụ án điển hình thể hiện quan điểm cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Nguyên tắc suy đoán vô tội được áp dụng triệt để.

Có thể thấy pháp luật đã quy định bị can, bị cáo có quyền tự chủ trong việc khai báo; “trình bày lời khai” là quyền của bị can, bị cáo mà không phải là nghĩa vụ bắt buộc. Hay hiểu đơn giản bị can bị cáo quyền trả lời đúng với những câu hỏi cơ quan điều tra đặt ra và im lặng nếu cảm thấy câu trả lời có xu hướng mớm cung, lệch lạc sự thật gây bất lợi cho mình.

Vậy nếu bị can, bị cáo cứ “ngoan cố” hòng dùng quyền im lặng để thoát tội thì có làm khó cho cơ quan tiến hành tố tụng không? hay như vậy sẽ trở nên vô tội không? Câu trả lời là không bởi lời khai của bị cáo chỉ là một trong những chứng cứ buộc tội nên khi bị cáo không khai báo sẽ không làm khó người tiến hành tố tụng, nếu các chứng cứ, lời khai người liên quan, người làm chứng và các cơ sở buộc tội khác vững chắc.

Một số quy định thể hiện nguyên tắc suy đoán vô tội

Bên cạnh việc trao cho bị can, bị cáo quyền giữ im lặng thì các nhà lập pháp Việt Nam cũng dần dần ban hành những quy định  để thay đổi quan điểm điều tra, truy tố, xét xử trong tố tụng hình sự. Nguyên tắc suy đoán vô tội trong TTHS ở Việt Nam được thể hiện qua các quy định như:

Bỏ mặc đồ tù nhân

Trang phục của bị cáo khi ra Tòa: Các bạn có nhớ trước năm 2004, năm mà BLTTHS 2003 chưa có hiệu lực. Lúc đó bị cáo ra tòa phải mặc đồ tù nhân. Điều này thể hiện rõ trong vụ án Năm Cam. Tuy nhiên, từ năm 2004 thì các phiên Tòa mới dần bỏ việc này. Bị cáo khi ra Tòa mặc đồ bình thường như bao người khác.

Quy định lại bố trí phòng xét xử

Quy định về bố trí phòng xét xử tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC như sau:

+ Bỏ vành móng ngựa, thay vào đó là bục khai báo.

+ Đặc vị trí của Đại diện VKS và Người bào chữa ngang hàng nhau.

Hai sự thay đổi này nếu nhìn dưới góc độ kỹ thuật thì có lẽ nhiều người nghĩ sẽ không quá quan trọng. Nhưng đứng dưới góc độ của pháp luật thì hoàn toàn khác.

Trước đây tại một phiên Tòa hình sự, đại diện VKS ngồi ở phía trên so với vị trí của người bào chữa. Điều đó thể hiện trạng thái bề trên, trong khi bản chất người buộc tội và người gỡ tội phải được đặt ngang hàng nhau. Sự ngang hàng về mặt vị trí về mặt vật chất sẽ kéo theo là ngang hàng về mặt quan điểm, tư tưởng. Tòa ngồi giữa sẽ đánh giá vụ án qua lời buộc tội, gỡ tội một cách công minh hơn, giảm thiểu được thiên khiến sai lệch khi đưa ra phán quyết cuối cùng.

Việc thay đổi quan điểm trong tố tụng hình sự bằng cách áp dụng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội và trao quyền im lặng cho bị can, bị cáo mục đích cuối cùng là hướng đến những bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.