Ngày 28/9, khi bão Noru đổ bộ vào Miền Trung, hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã kêu gọi người dân ủng hộ tiền vào một tài khoản “cá nhân” để hỗ trợ đồng bào miền Trung. Trong thời điểm nhạy cảm lùm xùm nghệ sĩ từ thiện nhiều người đã lên tiếng cho rằng đây là việc làm không hay. Vậy pháp luật hiện hành có quy định gì cho các cá nhân quyên góp từ thiện sao cho đúng luật không?
Trước tiên thì hoạt động quyên góp từ thiện là việc làm mang ý nghĩa tốt đẹp, nhất là khi người dân miền Trung đang phải hứng chịu hậu quả từ cơn bão. Tuy nhiên để từ thiện cho đúng luật thì không phải ai cũng biết.
Để tránh những lùm xùm như một số nghệ sĩ trước đây thì cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện cần tuân thủ các quy định tại Điều 17 Nghị định 93/2021/NĐ-CP cụ thể:
-
Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này.
-
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
-
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận;
-
Có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
-
Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Thêm vào đó Khoản 2, Điều 14 Nghị định 93/2021/NĐ-CP nêu rõ quá trình thiện nguyện, cá nhân đó có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp. Sau đó, họ cần công khai các nội dung đã ghi chép trên các phương tiện truyền thông, gửi kết quả bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, người kêu gọi quyên góp có nghĩa vụ cung cấp thông tin đã ghi chép.
Khi kêu gọi quyên góp từ thiện quan trọng nhất là tính công khai, minh bạch, ghi chép và phối hợp, báo cáo để cơ quan chức năng giám sát, hỗ trợ không chỉ giúp điều phối hợp lý các nguồn cứu trợ mà còn bảo vệ an toàn cho cá nhân, tổ chức.
Như vậy có thể thấy việc kêu gọi quyên góp từ thiện từ Hoa hậu hoà bình quốc tế Thuỳ Tiên là xuất phát từ việc tốt nhưng cách vận động lại chưa đúng quy trình. Hiện vụ việc kêu gọi trên đã được cô nàng đăng tải thông báo dừng nhận tiền hỗ trợ.