Bài viết pháp luật

Cách xử lý khi bị đòi nợ, mặc dù không vay tiền

Mục lục

Nguyên nhân của các cuộc điện thoại đòi nợ

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dù không vay tiền nhưng vẫn bị các số điện thoại lạ gọi điện đến làm phiền, quấy rối và đòi nợ.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là thông tin cá nhân của bạn bị đánh cắp do người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bạn đã tham gia vay tiền qua app và không trả tiền đúng hạn nên các đối tượng đòi nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ của họ để nhắn tin, gọi điện thoại nhằm mục đích đòi nợ, cho dù người bị gọi điện không liên quan đến các khoản vay nợ đó.

Ngoài ra, do thủ tục vay tiền qua app hết sức đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp thông tin CMND/CCCD là có thể vay được tiền, vậy nên một số đối tượng xấu đã lợi dụng việc đánh cắp thông tin hoặc sử dụng thông tin công khai của bạn để thực hiện việc vay tiền qua app nhưng sau đó không trả.

Quy định về thu hồi nợ của các công ty tài chính theo quy định của pháp luật

Tại điểm đ Khoản 2 Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN, sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN nêu rõ:

– Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày.

– Hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ.

– Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Như vậy theo quy định trên, việc các tổ chức tín dụng, các đối tượng đòi nợ khủng bố tin nhắn, điện thoại với những người không có nghĩa vụ trả nợ như người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay là không đúng pháp luật. Đồng thời, các công ty tài chính, tổ chức tín dụng không được gọi điện thoại quá nhiều lần một ngày để đe dọa, cũng như thúc ép những người quen biết với bên vay phải trả nợ.

Cách xử lý khi bị đòi nợ, mặc dù không vay tiền

Khi bị khủng bố tin nhắn hoặc gọi điện thoại để đòi nợ, mặc dù bạn không vay tiền thì bạn có thể xử lý sự việc này theo các cách sau đây:

Thứ nhất, bạn cần phải bình tĩnh xử lý và giải thích rằng bạn không quen biết người cho vay cũng như không có nghĩa vụ và trách nhiệm thanh toán khoản nợ này. Bên cạnh đó. bạn cần phải hỏi về các thông tin của người cho vay như: tổ chức cho vay là tổ chức nào, có địa chỉ trụ sở ở đâu, yêu cầu cung cấp chứng từ, hợp đồng, chữ ký người vay và các thông tin khác liên quan đến việc vay nợ của mình. Trong trường hợp này, bạn nên ghi âm lại toàn bộ cuộc trò chuyện, chụp màn hình tin nhắn để làm bằng chứng

Thứ hai, nếu bị đối tượng đòi nợ làm phiền trong thời gian dài đến mức khủng bố thì bạn có thể soạn đơn khiếu nại gửi tới công ty tài chính; để khiếu nại về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ; về đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ. Mặc khác, nếu bị các đối tượng đòi nợ từ các công ty tài chính đe dọa, quấy rối thì bạn có thể trình báo lên Cơ quan công an gần nhất để được xử lý kịp thời.

Thứ ba, bạn không nên cung cấp thông tin cá nhân như giấy tờ tùy thân, mối quan hệ của bạn với gia đình, bạn bè, người thân, địa chỉ cư trú, nơi làm việc, … cho các đối tượng đòi nợ.

Ngoài ra, trong trường hợp bạn lỡ cung cấp hình ảnh về thông tin cá nhân cho đối tượng đòi nợ và bị các đối tượng này bêu rếu trên mạng xã hội thì bạn có thể trình báo đến Cơ quan công an gần nhất. Theo đó, đối với hành vi này, đối tượng đòi nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và mức phạt tù cao nhất mà các đối tượng này có thể đối mặt là 07 năm. Ngoài ra, khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này, các đối tượng đòi nợ còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.