Bài viết pháp luật Dân sự

05 trường hợp được miễn tạm ứng án phí, án phí trong tố tụng dân sự

Pháp luật tố tụng Việt Nam đã có những quy định về việc miễn các chi phí tố tụng trong một số trường hợp. Cụ thể hơn, Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định chi tiết về các trường hợp được miễn nộp tiền án phí, tạm ứng án phí, lệ phí tòa án, tạm ứng lệ phí tòa án như sau:

(1) NLĐ khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, BHXH, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật

Người lao động là lực lượng đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển kinh tế của một đất nước. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động là vấn đề được chú trọng hàng đầu. Do đó, nhà nước sẽ không thu bất kỳ chi phí kiện tụng nào của người lao động nếu họ có yêu cầu khởi kiện đòi những quyền lợi chính đáng như tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm,…

(2) Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

Cấp dưỡng là việc hỗ trợ vật chất giữa những người trong cùng huyết thống, gia đình khi một trong số họ không có đủ khả năng tự sinh sống. Cho nên, người có yêu cầu tòa cấp dưỡng đa phần là những người rất khó khăn về kinh tế, họ khởi kiện để đòi sự hỗ trợ cho cuộc sống của họ. Do đó, việc miễn các chi phí tố tụng là giảm bớt gánh nặng kinh tế, tạo điều kiện để họ được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình.

Một tình huống khác, trẻ em được xem là đối tượng yếu thế nhất trong xã hội, là đối tượng chưa đủ nhận thức và cần được chăm sóc, nuôi dưỡng. Do đó, nếu trẻ em chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự cần tòa án xác định cha, mẹ thì sẽ được miễn án phí, lệ phí.

(3) Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Người phải chấp hành các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại địa phương là những cá nhân đã vi phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng không phải là tội phạm. Mục đích chính của xử lý hành chính là giáo dục, cải tạo họ. Nếu một cơ quan ra quyết định áp dụng hoặc thi hành các biện pháp này không đúng quy định sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và quyền lợi chính đáng của người chấp hành. Do đó, việc miễn chi phí tố tụng cho họ những trường hợp này là hoàn toàn chính đáng.

(4) Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

Những quyền về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín là nhóm quyền cơ bản của con người. Khi một người bị xâm phạm những quyền này, họ sẽ được miễn những chi phí tố tụng giải quyết vụ việc.

(5) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.

Những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc là người dân tộc thiểu số ở nơi đặc biệt khó khăn là những người có mức kinh tế hạn hẹp. Khi những quyền lợi của họ bị xâm phạm, họ sẽ rất e ngại những vấn đề về chi phí khi yêu cầu tòa án giải quyết sự việc. Đối tượng tiếp theo trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ là những đối tượng yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội, cần được pháp luật bảo vệ. Do đó, vì mục đích nhân văn, những đối tượng này được pháp luật miễn những chi phí tố tụng để tạo điều kiện cho họ được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình.

Như vậy, Xin chào Luật sư vừa cung cấp thông tin về những đối tượng được miễn án phí, lệ phí tòa án là những người yếu thế, cần được bảo vệ những quyền cơ bản. Do đó, nhằm đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ tư pháp một cách công bằng, bình đẳng đối với tất cả công dân, pháp luật đã miễn hoàn toàn án phí, lệ phí tòa án cho họ khi tham gia tố tụng.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.